Trong thực tế, khái niệm trách nhiệm xã hội được nhiều người sử dụng đồng nghĩa với đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, về bản chất đây là hai khái niệm khác nhau. Trách nhiệm xã hội là những nghĩa vụ một doanh nghiệp hay cá nhân phải thực hiện đối với xã hội nhằm đạt được nhiều nhất những tác động tích cực và giảm tối thiểu các tác động tiêu cực đối với xã hội.
Trách nhiệm xã hội có thể được coi là một sự cam kết của doanh nghiệp hay cá nhân đối với xã hội; trong khi đó đạo đức kinh doanh đề cập đến những quy tắc ứng xử được cân nhăc kỹ lưỡng về mặt tổ chức của doanh nghiệp làm cơ sở cho việc ra quyết định trong quan hệ kinh doanh. Nhiều tổ chức, công ty tìm cách xác định các mối quan hệ, trách nhiệm và nghĩa vụ cần thực hiện và cách thức thực hiện tốt nhất để có thể đáp ứng được yêu cầu của mọi đối tượng hữu quan trong xã hội. Về cơ bản, trách nhiệm xã hội bao gồm những nghĩa vụ về kinh tế, pháp lý, đạo đức và nhân văn.
Nghĩa vụ kinh tế của một doanh nghiệp là sản xuất hàng hoá và dịch vụ thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội ở mức giá cả có thể cho phép duy trì được công việc kinh doanh và làm hài lòng các chủ đầu tư. Thực hiện nghĩa vụ kinh tế là để đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp.
Nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp là thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý chính thức đối với những người hữu quan, trong cạnh tranh và đối với môi trường tự nhiên do pháp luật hiện hành quy định. Thực hiện nghĩa vụ pháp lý là để doanh nghiệp có thể được chấp nhận về mặt xã hội.
Nghĩa vụ đạo đức của doanh nghiệp được định nghĩa là những hành vi hay hoạt động được xã hội mong đợi nhưng không được quy định thành các nghĩa vụ pháp lý. Nghĩa vụ đạo đức chính là nền tảng của các nghĩa vụ pháp lý. thực hiện nghĩa vụ đạo đức là để doanh nghiệp có thể được xã hội tôn trọng và được chấp nhận trong một ngành.
Nghĩa vụ nhân văn của doanh nghiệp bao gồm những hành vi và hoạt động mà xã hội muốn hướng tới và có tác dụng quyết định chân giá trị của một tổ chức hay doanh nghiệp. Nghĩa vụ nhân văn thể hiện những mong muốn hiến dâng của doanh nghiệp cho xã hội. Thực hiện nghĩa vụ nhân vãn là thể hiện ước muốn tự hoàn thiện và vì nhận loại (xã hội).
Đọc thêm tại : http://giaoducvanhoadoanhnghiep.blogspot.com/2015/06/ao-uc-kinh-doanh-va-trach-nhiem-xa-hoi.html